Dấu hiệu nhận biết tránh sập bẫy các công việc lừa đảo
Đánh vào tâm lý không ít người muốn làm các công việc tại nhà, nhất là các bà mẹ bỉm sữa đang nuôi con nhỏ , nhiều đối tượng đã tự dựng lên những việc làm nhẹ nhàng, cho thu nhập cao để “móc túi” người lao động.
Sau đây thichlamthem.com sẽ giới thiệu qua 4 dấu hiệu để nhận biết “bẫy việc làm”:
1. Các lời chào mời mồi chài hấp dẫn
Chỉ với cụm từ “việc nhẹ lương cao” qua rồi, bây giờ các nhà tuyển dụng lừa đảo có nhiều lời chào mời hấp dẫn hơn kiểu: “cần gấp”, “đi làm ngay”, “việc nhẹ nhàng”, “nhận việc nhanh”, “không cần nhập hàng”, “không cần vốn”, “không cần kinh nghiệm”, “được đào tạo miễn phí”…
Với những tin tuyển dụng như thế gần như lừa đảo 100%. Chỉ cần một tin nhắn là được nhận vào làm, nhưng sau đó nhà tuyển dụng ảo này sẽ “bày đủ trò”: đóng phí giữ chỗ việc làm, lấy thông tin cá nhân để bắt ký các cam kết…
2.Thông tin công ty, việc làm không rõ ràng
Trước khi đến nộp hồ sơ cho công ty nào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về công việc, công ty tuyển dụng thông qua nhiều nguồn, nhiều người, tránh bị mất tiền, mất thời gian. Tức là công ty phải có trụ sở, địa chỉ rõ ràng.
Thông tin chi tiết về công việc mà nhà tuyển dụng mô tả như thế nào? Nếu chỉ có một số vài gạch đầu dòng như “Tuyển nhân viên kinh doanh…”, “Tuyển gấp nhân viên bán hàng…” và kèm một số điện thoại liên hệ hay nhóm Zalo thì đa số là lừa đảo. Trên thực tế, một công ty làm ăn đàng hoàng không bao giờ đăng tải thông tin tuyển dụng mập mờ như thế, mà họ luôn mô tả chi tiết về yêu cầu công việc.
3. Thông tin tuyển dụng sơ sài, sai chính tả
Với công ty chuyên nghiệp, ngay từ tin tuyển dụng họ viết rất trang trọng, dễ hiểu và không sai chính tả. Ngược lại, một công ty lừa đảo thì những tin tuyển dụng thường viết rất sơ sài, sai chính tả, vụng về và có xu hướng dùng nhiều ký tự đặc biệt để làm nổi bật.
Mỗi ngày đi trên đường phố hoặc lướt trên mạng bạn dễ dàng bắt gặp những mẩu tin tuyển dụng có nội dung chung chung như: cần tuyển nhân viên quản trị kinh doanh, nhân viên bán vé máy bay, nhân viên trực tổng đài điện thoại. Liên hệ SĐT…, kèm theo đó là mức lương rất hấp dẫn, không hề có tên và địa chỉ công ty, không có thời hạn tuyển dụng cũng chẳng có yêu cầu rõ ràng về kinh nghiệm, bằng cấp… “Mới nghe qua thì có vẻ hấp dẫn, nhưng rất có thể chỉ là chiêu trò lôi kéo của các trung tâm môi giới hoặc các công ty ‘ma’, chuyên lừa đảo. Chẳng có công ty nào đăng tải thông tin tuyển dụng một cách mập mờ như thế và dán tràn lan ở công trường, cột điện, trạm xe buýt… như vậy cả. Và tất nhiên, cũng chẳng có công việc nhẹ nhàng, lương cao nào mà đến với bạn dễ dàng như thế.
4. Không cần thử việc hay kiểm tra năng lực
Nhiều công ty, để được nhận vào làm việc (dù làm online) thì số vòng kiểm tra này có khi phải 2 – 3 lần. Tức có nghĩa là các ứng viên phải cạnh tranh, thể hiện được năng lực rồi mới vào làm việc. Trong khi đó, các công ty lừa đảo thì luôn tuyên bố “không cần” bất cứ điều gì – cứ chấp nhận là vào nhận việc.
Ngoài những chiêu lừa đảo như trên thì một số hành vi có dấu hiệu lừa đảo tìm việc mà người tìm việc cần thận trọng như: thu tiền làm hồ sơ tuyển dụng, đặt cọc tiền trước khi chính thức nhận việc, bắt đóng tiền mở tài khoản trả lương, yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app (ứng dụng) trả lương.