Sinh viên bị lừa đảo khi tìm việc làm thêm – Mô hình đa cấp tiếp tục biến tướng – Thích Làm Thêm

Sinh viên bị lừa đảo khi tìm việc làm thêm – Mô hình đa cấp tiếp tục biến tướng

Trong những ngày gần đây, thông tin sinh viên bị lừa đảo, bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp được phản ánh và đăng tải liên tục. Đa cấp lừa đảo đã diễn ra từ rất lâu và được bàn luận nhiều, xã hội đã có những đề phòng nhất định, tuy nhiên các mô hình đa cấp biến tướng ngày càng trở nên tinh vi và nhiều mánh khoé hơn. 

Đầu tiên phải khẳng định, kinh doanh đa cấp được pháp luật Việt Nam thừa nhận là hợp pháp và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoạt động khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Chính Phủ. Tuy nhiên, một số người, nhóm người đã sử dụng mô hình này với mục đích vụ lợi ngay từ đầu, họ tìm cách dẫn dụ người khác đưa tiền cho mình rồi tìm cách tháo chạy an toàn và mang theo số tiền đó. Họ thành lập công ty kinh doanh đa cấp mà ta hay gọi là “đa cấp biến tướng” hay “mô hình Ponzi”. Thông thường, các công ty đa cấp biến tướng này sẽ kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư bằng cách đưa ra lãi suất hứa hẹn không tưởng để đầu tư vào một mô hình kinh doanh được vẽ ra hoàn hảo, sau đó lấy tiền của người sau và trả lãi suất, lợi nhuận cho người trước cho đến khi vụ việc vỡ lở.

Vào mỗi thời điểm khác nhau, các công ty đa cấp biến tướng sáng tạo ra một cách thu hút đầu tư khác nhau. Có thể nói, sinh viên luôn là đối tượng con mồi béo bở của những công ty này. Những sinh viên năm nhất sau khi rời cấp ba và xa vòng tay cha mẹ, họ ở độ tuổi muốn khẳng định bản thân và tự lập tài chính. Điều đó, dẫn tới việc sinh viên luôn có nhu cầu làm thêm. Dụ dỗ sinh viên mua hàng hoá với công dụng vượt trội và giá cả cao hơn rất nhiều giá trị thực để tham gia mạng lưới kinh doanh, sau đó được hưởng mức hoa hồng khủng đã trở nên lỗi thời vì đã bị bóc trần nhiều lần. Do đó, việc lôi kéo sinh viên bằng các tin tuyển dụng việc làm bán thời gian trở nên hiệu quả.

Khi sinh viên tới phỏng vấn theo thông tin đăng tải trên mạng xã hội, trang tin tuyển dụng hay tờ rơi, những công ty này sẽ yêu cầu đóng tiền làm thẻ nhân viên, đồng phục nhân viên, chi phí đào tạo, học việc… Sinh viên khi đã đóng tiền sẽ bị mắc kẹt vào đường dây đa cấp này hoặc bị tẩy não hoặc buộc phải tìm cách lấy lại số tiền mình bỏ ra bằng cách tìm kiếm, giới thiệu bạn bè vào công ty làm việc hoặc chấp nhận mất tiền khi ra khỏi hệ thống.

Theo quy định pháp luật thì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm.[1] Ngoài ra, những hàng hóa như là thuốc, trang thiết bị y tế, sản phẩm nội dung thông tin số…[2] là những hàng hoá không được phép bán theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, hiện nay ta thấy xuất hiện nhiều mô hình đa cấp kinh doanh tiền ảo như Công ty IFan, Vncoin, Skymining, hay đa cấp mua bán cổ phần như Công ty Uinvest, và đa cấp tuyển dụng việc làm như Team khởi nghiệp 360… Như vậy, những công ty này đã vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam. 

Cách thức nhận diện doanh nghiệp kinh doanh đa cấp biến tướng 

Thứ nhất, hiểu được kinh doanh đa cấp là gì? 

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.[3] Nếu thấy các đặc điểm này khi được kêu gọi đầu tư hay tham gia một công ty, thì ta phải nhận diện được rằng mình đang được mời gọi tham gia vào một mô hình đa cấp. Từ đó, chúng ta phải tìm hiểu công ty đó có đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh đa cấp một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không. 

Thứ hai, doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Tính đến nay chỉ có 33 doanh nghiệp được đủ điều kiện hoạt động bán hàng đa cấp theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhưng trong đó có một số công ty đã bị chấm dứt hoạt động.[4] Như vậy, trước khi tham gia mạng lưới đa cấp của bất cứ công ty nào, người tham gia cần phải kiểm tra xem doanh nghiệp này có được phép hoạt động kinh doanh đa cấp hay không? Việc có giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp rất quan trọng, bởi vì một doanh nghiệp được cấp phép sẽ phải đáp ứng các điều kiện về mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật, có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp[5]… Cơ quan cấp phép đã rà soát các quy định nội bộ của doanh nghiệp này để đảm bảo các quy định và chính sách kinh doanh đa cấp đưa ra là phù hợp với pháp luật, đảm bảo quyền lợi của những người tham gia là bên yếu thế hơn trong quan hệ với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Ngoài ra, Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam[6]. Doanh nghiệp này chỉ được rút tiền ký quỹ nếu không được cấp phép hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động. Tiền ký quỹ này nhằm đảm bảo nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp và nhà nước.

Chúng ta có thể kiểm tra thông tin doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động kinh doanh đa cấp tại Website của Cục quản lý cạnh tranh https://qlct.gov.vn/DNBHDC.aspx?CateID=424.

Thứ ba, công ty yêu cầu người tham gia đặt cọc, mua hàng hoá hay nộp một khoản tiền nhất định mới được tham gia hệ thống 

Bất cứ yêu cầu bắt buộc mua hàng hoá, đặt cọc, nộp tiền là điều kiện để tham gia hệ thống công ty đa cấp đều là biểu hiện của hoạt động đa cấp biến tướng, vi phạm quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật lao động, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động và không được thu học phí cho thời gian học nghề[7]. Như vậy, việc các công ty đang tuyển sinh viên và yêu cầu đóng phí làm thẻ, đồng phục, chi phí đào tạo, tiền đảm bảo…là vi phạm quy định pháp luật lao động.

Thứ tư, cam kết các khoản lợi nhuận, lãi suất khổng lồ và dùng các mỹ từ thuyết phục người tham gia như “việc nhẹ lương cao”, “doanh nhân thành công”, “tự do tài chính”… 

Một nguyên tắc phổ biến của kinh tế học là “lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và ngược lại”. Nếu lãi suất, lợi nhuận lớn tới không tưởng thì khoản tiền đầu tư sẽ càng gần với việc bị mất trắng. Thường thì các công ty đa cấp này sẽ chi trả lãi suất, lợi nhuận trong thời gian đầu để lấy niềm tin và kích thích lòng tham, xoá nhoà lý trí của người tham gia. Đến khi niềm tin lên đến đỉnh điểm, chính họ sẽ tiếp tục dùng tiền của mình để tái đầu tư và mời gọi những người xung quanh tham gia hệ thống mà không biết rằng số tiến để trả lãi suất, lợi nhuận chính là tiền của những người đến sau.

Ngoài ra, trong thời gian qua, các khóa học thành công, chương trình khởi nghiệp phát triển rầm rộ khiến tinh thần khởi nghiệp lên cao, mong muốn làm chủ không làm thuê, trở thành doanh nhân thành đạt là điểm yếu dễ dàng bị lợi dụng của người trẻ. Theo đó, các công ty đa cấp biến tướng luôn tìm cách tẩy lão người tham gia với các điệp khúc như tương lai của bạn do bạn quyết định đừng bao giờ bị cản trở bởi người khác dù đó là gia đình hay bạn bè, muốn thành công thì phải hành động dù đó là hành động sai trái như lấy tiền của gia đình và nói dối, muốn làm chủ thì phải bỏ tiền đầu tư… Một mẩu tin tuyển dụng giả để dẫn dụ sinh viên, và một văn phòng đủ các bộ phận, phòng ban, sếp lớn, sếp nhỏ như một tấm lưới được giăng sẵn rất khó thoát ra. Vì vậy, sinh viên khi xin việc vào một công ty cần phải tìm hiểu rõ thông tin của công ty đó, trụ sở công ty, ngành nghề hoạt động để không bị mời gọi tới các địa điểm được dựng lên và liên tục thay đổi. Thông tin của bất kì doanh nghiệp nào cũng được công bố công khai tại Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx.

Thứ năm, doanh nghiệp chỉ quan tâm tới việc tìm người tham gia hệ thống 

Chỉ khi có người tham gia hệ thống thì mới có dòng tiền tiếp theo, do đó việc tìm người tham gia vào hệ thống gần như là mục tiêu sống còn của công ty ty đa cấp biến tướng. Nhận thấy điều này, pháp luật cấm hành vi doanh nghiệp cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu[8].

Thứ sáu, công ty không giao hàng hoặc không cho trả lại hàng hoá đã mua 

Pháp luật quy định hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hoá này cũng có nhiều điểm khác biệt so với giao dịch mua bán hàng hoá thông thường. Mà cụ thể là:

  • Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm giao đầy đủ hàng hóa và người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm nhận đầy đủ hàng hóa từ doanh nghiệp này trong vòng 30 ngày từ ngày người tham gia thanh toán tiền mua hàng. Việc giao hàng và nhận hàng là nghĩa vụ của cả doanh nghiệp và người tham gia. Nếu việc giao nhận hàng không được thực hiện, hoặc không thực hiện đúng thời hạn thì doanh nghiệp có trách nhiệm hủy giao dịch và hoàn trả toàn bộ số tiền cho người tham gia.[9] và;
  • Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng mà không cần bất cứ lý do gì và doanh nghiệp phải mua lại với giá thấp nhất bằng 90% số tiền mà người tham gia đã trả.[10]

Như vậy, một doanh nghiệp bán hàng đa cấp nếu không giao hàng hoặc không cho trả lại hàng hoá đã mua thì đã vi phạm các quy định của pháp luật.

Chế tài pháp luật và biện pháp ngăn ngừa các dạng đa cấp lừa đảo

Nghị định 185/2013/NĐ-CP và 141/2018/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với khung hình phạt cao nhất là 200.000.000 đồng, mức phạt này không có sức răn đe khi số tiền thu lợi có thể tới hàng ngàn tỷ đồng. Bộ luật hình sự quy định các tội danh liên quan tới hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… với khung hình phạt cao nhất là chung thân nhưng không phải vụ việc kinh doanh đa cấp nào cũng được điều tra tận gốc.

Trong quá trình áp dụng luật cơ quan điều tra thường e ngại việc “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” mà dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Do đó, những mô hình đa cấp biến tướng bất hợp pháp với quy mô nhỏ, đi sâu về các vùng quê, các hẻm hóc, ít truyền thông rầm rộ trên báo đài mà âm thầm đánh vào những nhóm đối tượng nhất định như sinh viên ở tình huống trên sẽ khó bị lôi ra ánh sáng. Thông thường cách công ty đa cấp này được thành lập trong thời gian ngắn, liên tục di chuyển và thay đổi địa điểm hoạt động, thu hút một nhóm người tham gia cho đến khi thông tin bại lộ liền thực hiện chấm dứt hoạt động công ty và thành lập công ty mới. Như vậy, để ngăn ngừa thiệt hại do công ty đa cấp biến tướng này gây ra có lẽ phải cần sự vào cuộc của cả xã hội:

  1. Chính bản thân mỗi người, mỗi sinh viên cần tìm hiểu về mô hình kinh doanh đa cấp và pháp luật kinh doanh đa cấp để phòng ngừa rủi ro cho mình.
  2. Cơ quan truyền thông, báo chí phải thường xuyên đưa tin và đưa tin chính xác về các sự việc, hiện tượng đa cấp biến tướng.
  3. Cơ quan công an địa phương, cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ các đối tượng mới đến ở địa bàn mình tổ chức sự kiện, hội nhóm hoặc ngay khi có đơn tố giác từ người dân.

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm phong toả, cấm chuyển dịch tài sản, cấm xuất cảnh cũng cần phải dễ dàng, nhanh gọn hơn so với phời điểm hiện tại. Tránh trường hợp những kẻ lạm dụng kịp thời tẩu tán tài sản và bỏ trốn.

[1] Khoản 1, Điều 4, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[2] Khoản 2, Điều 4, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[3] Khoản 1, Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[4] https://qlct.gov.vn/DNBHDC.aspx?CateID=424

[5] Khoản 1, Điều 7, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[6] Khoản 1, Điều 50, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[7] Khoản 1, Điều 20, Luật Lao động

[8] Khoản 1, Điều 5, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[9] Điều 46, Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[10] Khoản 1, Điều 47, Nghị định 40/2018/NĐ-CP


Để tìm kiếm việc làm thêm online, offline an toàn các bạn tham gia cộng đồng > 1.000.000 thành viên của chúng tôi nhé

Cộng đồng tại Hà Nội ???? Hội Tìm Việc Làm Thêm Cho Sinh Viên Tại Hà Nội

Cộng đồng tại Đà Nẵng ???? Hội Tìm Việc Làm Thêm Cho Sinh Viên Tại Đà Nẵng

Cộng đồng tại TP HCM ???? Hội Tìm Việc Làm Cho Sinh Viên Tại Tp.HCM

Nguồn: https://apolatlegal.com/vi/bai-viet/sinh-vien-bi-lua-dao-khi-tim-viec-lam-them-mo-hinh-da-cap-tiep-tuc-bien-tuong.html

CÁC KINH NGHIỆM KHÁC

Sinh Viên Chi Tiêu từ A-Z Chỉ Với 2 Triệu /1 Tháng Hóa Ra Không Khó Như Tưởng Tượng

Sinh Viên Chi Tiêu từ A-Z Chỉ Với 2 Triệu /1 Tháng Hóa Ra Không Khó Như Tưởng Tượng

Với những sinh viên học xa nhà thì việc chi tiêu sao cho tiết ki[...]

TUỔI 25 TÔI ĐÃ TỪ BỎ DANH VỌNG ĐỂ CHẠY THEO ĐAM MÊ

TUỔI 25 TÔI ĐÃ TỪ BỎ DANH VỌNG ĐỂ CHẠY THEO ĐAM MÊ

Hãy Theo Đuổi Đam Mê – Thành Công Sẽ Đuổi Theo Bạn̶[...]

Có một cơn ác mộng khủng khiếp của tuổi trẻ mang tên THẤT NGHIỆP

Có một cơn ác mộng khủng khiếp của tuổi trẻ mang tên THẤT NGHIỆP

Tình trạng ” thừa thầy – thiếu thợ” vẫn hiện h[...]

Các kĩ năng cần có cho một cuộc phỏng vấn hoàn hảo

Các kĩ năng cần có cho một cuộc phỏng vấn hoàn hảo

Nhà tuyển dụng cần gì ở một ứng viên? Đó là nỗi lo chung c[...]

Nỗi ám ảnh của người xin việc trước chiêu trò của các công ty lừa đảo

Nỗi ám ảnh của người xin việc trước chiêu trò của các công ty lừa đảo

Ngày nay,cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công [...]

Sự thật về bán hàng đa cấp núp bóng lừa đảo

Sự thật về bán hàng đa cấp núp bóng lừa đảo

“Bạn nên nhớ rằng không có công việc nào kiếm tiền dễ [...]