Sinh viên dễ dính “bẫy” khi tìm việc làm
Những “chiêu” lừa đảo, vay tiền qua ứng dụng, bán hàng đa cấp, đầu tư sinh lãi cao… đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của sinh viên, nhiều trường hợp đã “sập bẫy”
Con mồi của những chiêu lừa đảo này thường là sinh viên năm nhất, lần đầu xa nhà, muốn đi làm thêm đỡ đần cha mẹ. Những cái bẫy giăng ra ngày càng tinh vi, đánh trúng tâm lý của sinh viên.
Khó thoát bẫy đa cấp
Thanh, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, kể tháng đầu lên TP, với mong muốn kiếm thêm thu nhập để đỡ đần cha mẹ dưới quê, vừa bắt đầu năm học, em đã vội đi kiếm việc làm.
Theo lời giới thiệu của bạn bè, Thanh xin vào bán hàng cho một công ty. Ngày đầu phỏng vấn, công ty này cho biết Thanh sẽ được cung cấp chỗ ăn, ở, nếu bán được hàng sẽ nhận 60% hoa hồng cho một sản phẩm. Chưa kịp để Thanh suy nghĩ, nhân viên công ty này liền đưa ra các bài báo, những chứng từ về công ty họ ở nước ngoài để chứng minh uy tín. Bức tranh lợi nhuận được nhân viên ở đây vẽ lên hoàn hảo. Nhưng Thanh phải đóng trước 1,2 triệu đồng để giữ chỗ, với sự hối thúc từ nhân viên tuyển dụng, Thanh đóng tiền ngay trong buổi phỏng vấn.
Những ngày sau, Thanh được gọi đi làm nhưng không phải đến công ty bán hàng mà tham gia những hoạt động vui chơi, ăn uống. Họ không cung cấp chỗ ở với nhiều lý do. Một tuần sau, người quản lý đưa cho Thanh những hộp cà phê đóng gói để bán. Đồng thời, yêu cầu Thanh giới thiệu cho bạn bè, gia đình tham gia vào công ty, mỗi người đồng ý, Thanh sẽ được trích phần trăm.
Nhận thấy dấu hiệu đa cấp, Thanh xin nghỉ việc, nhân viên công ty này lập tức yêu cầu Thanh trả tiền hàng đã nhận chứ không chấp nhận lấy lại hàng. Nếu không trả tiền họ sẽ gửi thông báo về trường, về gia đình và đến các công ty khác để Thanh không thể xin được việc. Thanh cho biết lúc đó rất sợ, hoang mang, nên vay mượn và đóng thêm 8 triệu đồng để được nghỉ việc.
“Nhiều bạn không may mắn như em, bị công ty đa cấp ép phải giới thiệu thêm người tham gia, nếu không sẽ phải trả một khoản tiền rất lớn, nên không thể thoát ra được, càng lún sâu, tiền nợ sẽ càng nhiều. Ngoài ra, họ sẽ đưa những mặt hàng như cà phê, kem đánh răng, thuốc, tất cả là sản phẩm không chất lượng để ép mình phải bán, không bán được thì phải bù tiền” – Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Tài, Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho hay thủ đoạn lừa đảo của các công ty đa cấp hiện nay rất tinh vi, thay đổi liên tục, nếu sinh viên không tỉnh táo rất dễ mắc bẫy.
“Chính tôi ngày còn sinh viên cũng mắc bẫy đa cấp, nghe lời giới thiệu của bạn bè tham gia đầu tư sinh lãi cao, nộp vào 1,6 triệu đồng sau một tháng lấy lại vốn và có lãi, nhưng đến hai tháng vẫn không nhận được tiền. Trong thời gian đó tôi còn mời thêm hai người bạn tham gia” – ông Nguyễn Văn Tài cho biết.
Theo ông Tài, sinh viên hiện nay thấy những công việc nhẹ nhàng như lướt Tik Tok nhấn thích, chia sẻ video đó là được 12.000 đồng, một ngày kiếm được 1 triệu đồng quá dễ, liền tham gia. Nhưng các sinh viên đâu biết đó là lừa đảo, vì phải nộp tiền cọc 33 triệu đồng, đến tháng nhận tiền thù lao thì họ mất tích. Ông Tài khuyên sinh viên phải nhớ, “không có bữa trưa nào miễn phí”.
Cẩn trọng khi xin việc
Trước tình trạng này, ông Đào Minh Tân, Giám đốc Điều hành Finjob.vn, đưa ra khuyến cáo, khi vào website tìm việc, sinh viên nên chú ý đến phần mô tả công việc phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập. Logo những công ty đăng tin tuyển dụng phải sắc nét, không mờ. Tốt nhất hãy vào những trang tìm việc uy tín.
Về mặt nội dung, khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên. Nên xem những yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, rồi tìm kiếm công ty đó trên nhiều trang thông tin khác.
Theo ông Tân, sinh viên nên tìm việc trên cổng thông tin việc làm của trường, hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên, những nơi uy tín, khi có vấn đề sẽ dễ dàng được hỗ trợ. Họ sẽ xử lý ngay, thậm chí họ sẽ điều tra và thông báo cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Huyền Vũ, quản lý marketing Công ty Oxley MK, sinh viên nên chuẩn bị kỹ CV (hồ sơ ứng tuyển) để chủ động khi xin việc. Nên có kế hoạch tìm việc cho riêng bản thân mình, xác định rõ được các điểm mạnh và điểm yếu.
Tiếp theo, phải xác định được mình muốn làm ở trong lĩnh vực nào, mức lương, mục đích đi làm là kiếm nhiều tiền hay có thêm kinh nghiệm. Sau đó tìm những công ty có các yếu tố mình mong muốn và tham gia dự tuyển.
“Sinh viên hiện nay rất thiếu kỹ năng viết CV, đây là lý do khiến các bạn hoang mang, không có mục tiêu rõ ràng, không biết mình làm được gì khi xin việc và dễ bị mắc bẫy các công ty lừa đảo” – ông Vũ nhận định.
Phải đóng phí khi xin việc là lừa đảo
Ông Đào Minh Tân khẳng định chỉ công ty lừa đảo mới buộc phải đóng phí, đặt cọc khi phỏng vấn, hoặc phải mua một sản phẩm nào đó. Dù phải đóng phí 1.000 đồng thì 99,9% công ty đó là lừa đảo, sinh viên nên tránh xa.
Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sinh-vien-de-dinh-bay-khi-tim-viec-lam-20201205212104027.htm
Để tìm kiếm việc làm thêm online, offline an toàn các bạn tham gia cộng đồng > 1.000.000 thành viên của chúng tôi nhé
Cộng đồng tại Hà Nội ???? Hội Tìm Việc Làm Thêm Cho Sinh Viên Tại Hà Nội
Cộng đồng tại Đà Nẵng ???? Hội Tìm Việc Làm Thêm Cho Sinh Viên Tại Đà Nẵng
Cộng đồng tại TP HCM ???? Hội Tìm Việc Làm Cho Sinh Viên Tại Tp.HCM