TRƯỢT ĐẠI HỌC -TÔI ĐI LÀM THÊM ĐỂ KIẾM TIỀN ÔN THI LẠI
Sau một năm đi làm thêm kiếm tiền để thực hiện ước mơ vào đại học. Tôi đã nhận được những bài học đắt giá từ cuộc sống và tờ giấy báo trúng tuyển trường đại học kiến trúc.
Bây giờ có quá nhiều con đường để cho các bạn trẻ lựa chọn, không nhất thiết cứ là phải vào cổng trường đại học. Vừa rồi đã kết thúc kì tuyển sinh đại học của thế hệ 9x cuối cùng-1999. Có thể do đề thi quá dễ so với sức của một số bạn, cũng có thể do mới cải tiến trong cuộc giáo dục mà có những bạn 30 điểm vẫn trật đại học. Qúa kinh khủng, còn nhớ năm chị tôi thi đại học, 21 điểm là cả làng xóm ăn mừng, còn bây giờ 30 điểm vẫn khóc rưng rức vì trật. Tôi đã đọc được một bài viết của một bạn thi vào ngành công nghệ thông tin trường Bách Khoa. Bạn ấy đã lên án chỉ trích nhà trường, chỉ trích giáo dục vì một nhân tài như bạn ấy mà nhà trường đã bỏ lỡ. Có thể các bạn còn mang nặng tư tưởng về học vấn, cũng có thể gia đình các bạn quá khắt khe về một tấm bằng. Có quá nhiều bài báo đổ xô nhau giật tít về những câu chuyện xoay quanh vấn đề thi đại học và những biến cố do thi cử gây ra. Có thể mỗi người sẽ có những lựa chọn cho riêng mình, đi làm kiếm sống, học nghề, đi du học hay như tôi- một cô gái sinh năm 1998 đã chọn đi làm thêm kiếm tiền ôn thi lại.
Sinh ra trong một gia đình ở nông thôn, hằng ngày nhìn bố mẹ chật vật kiếm từng đồng tiền bát gạo. Tôi đã có ước mơ học thật giỏi để đổi đời. Còn mẹ tôi thì quan niệm rằng:” Con gái chẳng cần nhiều tiền, cũng chẳng cần giỏi giang xinh đẹp. Cứ đi học kiếm lấy cái bằng, sau này sẽ dễ dàng hơn trong cuộc sống”. Năm đầu tiên tôi đã trật, vì điều kiện không cho phép tôi học vẽ, trong khi tôi chọn ngành kiến trúc. Cũng thất vọng, cũng chán nản, cũng đã từng muốn buông xuôi. Bố mẹ động viên, anh em hàng xóm an ủi, niềm đam mê vẽ mà tôi không từ bỏ được. Tôi xách va li theo chị gái ra hà nội kiếm công việc làm thêm để ôn thi lại.
Vất vả khó khăn, mệt mỏi, bất lực tôi nếm trải được hết trong gần một năm gắn bó với công việc làm thêm. Bây giờ nghĩ lại những ngày ấy, tôi thấy thấm thía quá giá trị của cuộc đời.
1. Bán quần áo ở shop thời trang
Việc làm thêm đầu tiên của tôi là bán quần áo ở shop thời trang tại Đại La. Do lần đầu tiên ở quê ra nên tôi cũng khá là bỡ ngỡ, vẫn còn mang đậm phong cách quê với chiếc dép tông và bộ đồ không bắt mắt. Giọng nói miền trung quê tôi các bạn cũng biết đấy, chả bao giờ lạc vào đâu được. Nhưng chị chủ rất dễ tính, hiền lành đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về chị ấy. Tôi được nhận vào làm với công việc trông quán từ 9h sáng đến 10h tối, với mức lương tháng đầu là 3tr5 và được ăn hai giờ. Tính ra mỗi tiếng tôi chỉ được hơn 10.000 đồng. Công việc làm thêm cũng nhẹ nhàng thôi, sáng sớm tôi bày mẫu quần áo ra các móc, lau chùi sạch sẽ sàn nhà, cửa kính. Khi có khách tôi sẽ tư vấn, nói chuyện và thuyết phục họ mua sản phẩm bên mình.
Ngày đầu tiên đi làm tôi đã khá chật vật, vì sức khỏe không đủ cho tôi vác được con ma nơ canh từ trong của hàng ra hành lang. Giong nói đậm chất địa phương khiến cho tôi không thể giao tiếp với khách hàng một cách suôn sẻ. Một phần vì rụt rè, một phần vì chưa quen, tôi tư vấn cho khách chả khác gì nói cho con kiến dưới đất nghe. Có những hôm đau ốm đến liệt người, tôi vẫn phải đi làm vì cửa hàng chả ai trông cho. Hay có những lần bị khách chửi té tát mà chả biết nguyên nhân nó đến từ đâu. Tôi nghĩ, đi làm thêm không dễ như tôi đã từng mơ mộng khi còn là một học sinh cấp ba. Cũng không phải việc làm thêm nào cũng toàn khó khăn, gian khổ. Vì nếu như thế tôi chả gắn bó được với công việc này 4 tháng trời.
Tôi học được tính tỉ mỉ, cẩn thận khi kiểm lại quần áo sau một ngày bán hàng. Học được tính sạch sẽ khi sáng sớm luôn phải làm công việc lau chùi và sắp xếp quần áo. Học được cách giao tiếp, nắm bắt tâm lí của những vị khách trung niên – vì tôi bán quần áo cho các bà mẹ tầm trung. Học được cách nhẫn nhịn khi gặp bà khách khó tính. Đó chính là những bài học đầu tiên mà công việc làm thêm đã dạy cho tôi. Có lẽ bài học xương máu nhất mà tôi nhận được đó chính là quý trọng những đồng tiền mình đã làm ra.
Chị em với nhau, không xin bố mẹ tiền sinh hoạt đi làm thêm để trang trải cuộc sống quá vất vả rồi. Nên lần ấy chị em tôi đã ôm nhau khóc tu tu nguyên một ngày. Vì tôi làm rơi mất 1.000.000 tiền hàng. Một phần ba tháng lương tôi cặm cụi làm việc mới có được. Đi làm rồi mới biết kiếm ra được đồng tền chả dễ dàng gì, bao nhiêu mồ hơi nước mắt của tôi. Sau này khi xem lại camera tôi mới biết được rằng, số tiền ấy mất là do tôi làm rơi trước hành lang của quán. Có hai thanh niên đi qua thấy và nhặt mất.
2. Việc làm thêm phục vụ ở quán cà phê
Sau 4 tháng gắn bó ở shop thời trang, do thời gian làm việc khiến cho tôi không có thời gian để ôn bài, và một vài lí do với của hàng. Tôi đã xin nghỉ việc mà bắt đầu công việc làm thêm là nhân viên phục vụ quán cà phê ở Phố cổ cho đến tận bây giờ.
Quy mô của quán khá nhỏ nên một mình tôi kiêm phục vụ, thu ngân và rửa cốc chén. Tôi làm từ 7h sáng đến 18h chiều.Tôi có một thời gian buổi tối đủ để ôn bài cho kì thi sắp tới. Với mức lương nhỉnh hơn là 5 triệu đồng. Ở đây tôi được tiếp xúc hầu như là du khách nước ngoài, các công nhân viên chức, hay các bạn sinh viên muốn tìm một nơi yên tĩnh để học bài, để tâm sự, gặp mặt.
Thành quả tôi học được từ công việc làm thêm này chính là thi tiếng anh đầu vào của trường tôi đã vượt qua được. Ở đây, người nước ngoài khá nhiều, vốn từ vựng tiếng anh của tôi không được tốt lắm nên lúc đầu cũng bập bẹ câu được câu mất. Mà nếu mãi như thế thì tôi chả bao giờ làm được công việc này lâu dài hết. Tôi bắt đầu điên cuồng vừa học, vừa làm, vừa luyện tiếng anh. Nguời ta nói không sai, muốn học giỏi tiếng anh tốt nhất là giao tiếp với người nước ngoài. Từ một đứa chỉ biết mấy câu xã giao quen thuộc, giờ đây có lúc tôi đã có thể bắt chuyện, kể những câu chuyện bằng tiếng anh với nước ngoài. Đối với người nước ngoài, nếu tìm được một người đồng hương hay một người có tiếng nói chung họ đề rất vui. Vậy nên có những khách hàng hầu như hôm nào cũng đến quán tôi uống cà phê chỉ để nói chuyện với tôi. Tôi chợt nhận ra, có những việc rất nhỏ thôi nhưng nó làm tôi vui cả ngày.
Cũng đã từng có những câu chuyện dở khóc dở cười của tôi khi đi theo việc làm thêm này. Đã có những vị khách đến đây uống cà phê đã bắt chuyện rồi xin số điện thoại của tôi. Nhưng vì không thể làm mất lòng khách nên tôi vẫn phải cho. Có một vị khách suốt ngày nhắn tin hỏi han, gạ gẫm tôi đi uống nước. Mạnh dạn hơn nữa ông ta đã đưa ra lời đề nghị bao nuôi giúp tôi không phải vất vả kiếm tiền cũng có thể ôn thi đại học. Có lẽ sau nhiều lần thuyết phục tôi không được, ông ta không còn làm phiền tôi nữa, dù hằng ngày ông vẫn đến quán tôi uống nước. Tôi biết được rằng, không phải chuyện gì mình cũng giải quyết theo cảm tính được, đừng nóng vội, đừng quá bức xức. Thay vào đó là khéo léo trong cách cư xử, cách từ chối đừng làm ảnh hưởng đến quán, đến khách hàng.
Thật ra đối với tôi hay bất kì một sinh viên nào cũng vậy, đi làm thêm chính là mục tiêu kiếm tiền trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở hà thành. Nhưng khi đi làm rồi, chúng ta đều nhận ra những vị khách, những con người ở xung quanh mình chính là bài học đắt giá mà chắc gì 18 năm đi học trên ghế nhà trường tôi đã học được. Cho đến bây giờ tôi đã gắn bó với công việc này gần 1 năm rồi, vừa đi học ôn ở lớp vẽ, học ôn các môn tự nhiên buổi tối ở nhà, làm thêm ở quán cà phê, có vất vả, có cực khổ, có những nụ cười, cũng có những giọt nước mắt. Nhưng tôi cảm thấy những bài học tôi nhận được rất nhiều, tôi đã không lãng phí một thời gian nào. Tôi tự tin với khả năng giao tiếp của bạn thân, tự tin với những gì mình học được để ra ngoài không sợ vấp ngã.
2017 tôi đã có trên tay giấy báo nhập học trường kiến trúc với 26 điểm. Tôi có một công việc làm thêm ổn định. Tôi có một khoản tiền để nạp học phí đầu năm, tôi có một vốn kiến thức tiếng anh đủ vượt qua kì thi đầu vào của trường. Tôi sẽ tiếp tục đi làm thêm để kiếm tiền để học thêm ngành vẽ thực hiện ước mơ trở thành một kiến trúc sư giỏi. Tuy nhiên, do dính với lịch học nên cần phải tìm một công việc part – time phù hợp hơn với thời gian của bản thân mình.
Dù bạn đang là một sinh viên, hay một sinh viên vừa ra trường, cũng có thể là một tân sinh viên hụt như tôi. Bạn hãy đi làm thêm, đó chính là công việc đưa ta trưởng thành nhanh nhất. Đừng vội nghĩ trượt đại học là sự đau khổ lớn nhất, nếu có đam mê hãy đi làm thêm kiếm tiền ôn lại ,chậm một năm chả đáng là bao nhiêu. Nếu bạn đỗ đại học đừng ru rú với đống sách vở mà hãy chạy nhảy để va chạm với cuộc sống mà 18 năm qua bạn chưa một lần biết đến.